SỐNG KHỎE
Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động, gây nên các rối loạn cho cơ thể.
Tình trạng hạ đường huyết cần được xử trí nhanh, kịp thời để hạn chế những biến chứng nặng nề do hạ đường huyết gây nên.
I. Hạ đường huyết có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, cụ thể như sau:
1. Điều chỉnh lượng đường trong máu
- Khi không ăn trong vòng vài giờ, lượng đường huyết sẽ giảm và cơ thể tạm thời ngừng sản xuất insulin.
- Glucagon – một loại hormone được sản xuất từ tuyến tụy sẽ ra tín hiệu để gan phá vỡ glycogen, tăng glucose trong máu. Nhờ đó, lượng đường trong máu cân bằng và ổn định trở lại.
- Tuy nhiên, khi nhịn ăn kéo dài, cơ thể sẽ có xu hướng đốt hết kho dự trữ chất béo và sản sinh ra rất nhiều toan acid. Vì thế, người bệnh vừa có nguy cơ bị nhiễm toan và dễ bị hạ đường huyết.
2. Mắc bệnh tiểu đường
- Cơ thể của bệnh nhân không thể sản sinh insulin hoặc tạo ra quá ít insulin hay cũng có thể sử dụng insulin không hiệu quả.
- Người bệnh cần khắc phục bằng cách sử dụng insulin hay một số loại thuốc khác để kiểm soát đường huyết.
- Nếu sử dụng không đúng cách, người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng tụt đường huyết.
3. Một số nguyên nhân khác
- Dùng thuốc không đúng cách
- Uống quá nhiều rượu.
- Mắc phải một số bệnh mạn tính như viêm gan, bệnh tim, bệnh thật, nhiễm trùng,…
- Nhịn đói quá lâu khiến cơ thể bị thiếu hụt glycogen dự trữ cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết.
- Sản xuất thừa insulin do những tế bào bất thường, khối u ở tụy.
- Thiếu hụt các loại hormone có liên quan đến quá trình sản xuất hay chuyển hóa glucose.
- Trẻ em bị thiếu hormone tăng trưởng cũng có nguy cơ bị hạ đường huyết.
- Hạ đường huyết sau bữa ăn: đây là hiện tượng mà người từng phẫu thuật dạ dày rất dễ gặp phải.
II. Vậy bị hạ đường huyết nên ăn gì và tránh gì để cân bằng lượng đường huyết một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
1. Ăn gì
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, người bị hạ đường huyết cần ăn theo quy tắc 15-15. Cụ thể là:
- Người bệnh cần ăn ngay 15g carbohydrate để tăng đường huyết nhanh chóng, có thể lựa chọn 1/2 đến 3/4 cốc nước ép trái cây, một thìa canh mật ong, 2 thìa canh nho khô, 1 thìa canh đường, 1 cốc sữa không béo, 6 đến 8 viên kẹo nhỏ.
- Sau khi ăn được 15 phút, cần đo lại đường huyết.
- Trường hợp lượng đường máu vẫn thấp thì cần ăn thêm 15g carbohydrate. Sau 15 phút lại tiếp tục kiểm tra đường huyết. Thực hiện lặp lại các bước cho đến khi lượng đường trong máu về mức ổn định.
- Dù lượng đường huyết trong máu đã về mức ổn định, vẫn nên ăn một bữa ăn nhẹ hoặc ăn bữa chính để tránh nguy cơ đường huyết lại giảm.
2. Tránh gì
- Không nên ăn quá nhiều carbs, do những thực phẩm này có thể khiến cho lượng đường trong máu tăng quá cao
- Thực phẩm có chứa nhiều đường như bánh ngọt, kem hay sữa đặc,…
- Một số loại đồ uống hoặc thực phẩm có thể tăng cường hormone adrenaline chẳng hạn như cà phê, soda, trà đen, ca cao,…
- Một số loại đồ uống có chứa cồn: bia, rượu…